Chương trình bồi dưỡng “Nâng cao năng lực hiệu trưởng hiện đại” do Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm phối hợp tổ chức từ năm 2019. Đến nay đã trải qua 03 khóa đào tạo cho 46 giáo viên là cán bộ quản lý trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Đồng Tháp tiếp tục mở lớp đào tạo năng lực hiệu trưởng hiện đại
Sáng ngày 24/8, Lớp Bồi Dưỡng khóa III được tổng kết và khai giảng lớp khóa IV. Đến dự có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đoàn Tấn Bửu, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh và Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (đơn vị tài trợ), thầy Nguyễn Văn Hữu - Giám đốc Tổ chức Đào tạo và Huấn luyện CoachingOne Việt Nam, giảng viên khóa bồi dưỡng.
Lớp bồi dưỡng khóa III có 22 học viên là hiệu trưởng, hiệu phó của 21 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành 100% chương trình bồi dưỡng.
Lớp bồi dưỡng khóa IV được khai giảng, với 22 học viên. Thời gian đào tạo là 12 tháng (từ tháng 8/2022 đến tháng 7/2023), tiếp tục do thầy Nguyễn Văn Hữu đảm nhiệm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đoàn Tấn Bửu chúc mừng các học viên và cảm ơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm, thầy Nguyễn Văn Hữu, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp tổ chức khóa học đạt hiệu quả. Đồng thời, ông Đoàn Tấn Bửu cũng bày tỏ sự tin tưởng về nền tảng, giá trị cốt lõi mà thầy Nguyễn Văn Hữu mang đến cho lớp bồi dưỡng.
Ông Đoàn Tấn Bửu nhấn mạnh, đào tạo, phát triển nhân lực luôn được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm. Việc tiếp tục mở các khóa bồi dưỡng mới thể hiện tâm huyết dành cho sự phát triển giáo dục, cụ thể là trách nhiệm đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý - những người có vai trò định hướng cho thế hệ học sinh, góp phần phát triển nhân lực cho tỉnh nhà.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, qua lớp bồi dưỡng, giáo viên được tiếp cận với 12 chuyên đề rất hữu ích, thiết thực, từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy và kỹ năng theo xu hướng của giáo dục hiện đại.
Giáo viên đã áp dụng các nội dung và phương pháp được học vào công tác quản lý nhà trường, công tác giảng dạy và các hoạt động giáo dục tại đơn vị, lan tỏa những điều tích cực đã tiếp thu. Đặc biệt là sử dụng các phương pháp đã học để có cách ứng xử khéo léo trong các tình huống sư phạm, cũng như tìm hiểu về tâm lý và tình cảm để đổi mới phương pháp giảng dạy và dẫn dắt, định hướng giáo dục học sinh để đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Nguyệt Ánh -