Imexpharm đang là doanh nghiệp sở hữu nhiều dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU-GMP lớn nhất cả nước với 11 dây chuyền EU-GMP tại 3 cụm nhà máy.
Chiến lược phát triển nhà máy đạt chuẩn EU-GMP của Imexpharm
Theo báo cáo tài chính 9 tháng 2023, Imexpharm ghi nhận doanh thu xấp xỉ 1.400 tỉ đồng, tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ, đạt được 227 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng gần 50%. Số lãi là kỷ lục mới về lợi nhuận của Imexpharm, nhiều hơn lợi nhuận sau thuế mà công ty thu về trong cả năm 2022.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, kết quả kinh doanh này có được nhờ "lợi thế vàng" của Imexpharm là các nhà máy đạt chuẩn EU-GMP (thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu). Quý III/2022, Imexpharm vận hành cụm nhà máy đạt chuẩn EU-GMP thứ 3 là IMP4 tại Bình Dương.
Công ty bắt đầu đầu tư nhà máy GMP vào năm 2014 và đạt chứng nhận này lần đầu vào quý IV/2016. Đây là lợi thế lớn của Imexpharm khi hiện nay chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp dược trong nước đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương như Japan-GMP.
Theo quy định của Bộ Y tế, thuốc sản xuất trên dây chuyền chuẩn EU-GMP được dự thầu gói thuốc generic nhóm 1 và nhóm 2. Điều này cũng đồng nghĩa giới chuyên môn, các bác sĩ, dược sĩ sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong tư vấn và điều trị cho bệnh nhân. Từ khi có các nhà máy EU-GMP, các sản phẩm của IMP đã dần được lựa chọn đầu tay, thay thế cho các thuốc nhập khẩu trong kênh bệnh viện.
Sau khi bị chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong giai đoạn 2020-2021, doanh thu Imexpharm tăng trưởng ở mức 30% trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023. Lãi sau thuế của Imexpharm cũng liên tiếp tăng trưởng tốt trong giai đoạn này nhằm đảm bảo cho chiến lược tái đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm trong thời gian tới.
Là một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, Imexpharm luôn định hướng trở thành nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam. Trước khi có nhà máy được chứng nhận chuẩn EU-GMP vào cuối năm 2016, Imexpharm đã chủ động mang công nghệ châu Âu vào sản xuất từ năm 1999.
Đại diện công ty cho biết, năm 2007, lần đầu tiên Imexpharm chứng minh thành công tương đương sinh học cho kháng sinh Imeclor (125mg). Giai đoạn này đánh dấu tiến trình đưa công nghệ châu Âu vào sản xuất khi năm 2010, nhà máy Cephalosporin vào hoạt động. Đây là nhà máy sản xuất thuốc uống và thuốc bột pha tiêm theo công nghệ châu Âu, đặt tại khu công nghiệp VSIP II Bình Dương. Tầm nhìn "chất lượng hàng đầu – tiêu chuẩn châu Âu" cũng bắt đầu được hiện thực hóa từ đó.
Việc xây dựng các nhà máy đạt chuẩn EU-GMP là con đường mà IMP đã chọn và cam kết để tăng trưởng bền vững. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh trên thị trường dược trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm ưu thế.
Dù tiềm năng cao nhưng hiện nay các doanh nghiệp trong nước chủ yếu sản xuất thuốc generics. Các loại thuốc thuộc phân khúc biệt dược, thuốc phát minh hoặc đặc trị phần lớn nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài. Họ đang chiếm thị phần khoảng 50% về giá trị phân khúc này. Riêng kênh ETC (bệnh viện) - chiếm 70% giá trị thị trường dược phẩm.
Chiến lược đầu tư của Imexpharm theo hướng đón đầu các sản phẩm thuốc giá trị cao. Nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu giúp công ty có cơ hội cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 của Imexpharm cũng cho thấy sự chuyển hướng về cơ cấu phân phối. Theo đó, trong năm 2022, cơ cấu phân phối thuốc qua kênh OTC (nhà thuốc) và ETC (bệnh viện) là 68-32%. Đến cuối tháng 9/2023, Imexpharm nâng tỉ trọng thuốc phân phối qua kênh ETC lên mức 42%.
Theo đánh giá của chuyên gia, việc hoàn thành đợt xét duyệt tiêu chuẩn EU-GMP của nhà máy IMP4 đã tạo sức bật mạnh mẽ cho việc cung ứng vào kênh ETC, mở ra cơ hội thâm nhập sâu hơn vào mảng đấu thầu thuốc Nhóm 1, đồng thời gia tăng tính cạnh tranh của Imexpharm trước sự gia nhập ngày càng mạnh mẽ của thuốc ngoại vào thị trường Việt Nam. Trước đó, theo báo cáo của Tổ chức IQVIA, năm 2022 là năm Imexpharm được ghi nhận bởi những bước thăng hạng khá ấn tượng khi xếp vị trí thứ 11 trong Top 20 công ty dẫn đầu thị trường (tăng 1 bậc so với năm 2021), tăng trưởng kênh OTC đến 23% và kênh ETC đạt mức tăng 26%.
Việc chuyển hướng này không chỉ là xu hướng, đó còn là chiến lược phát huy lợi thế đang có của Imexpharm. Đó là năng lực sản xuất các loại thuốc kháng sinh phổ biến. Theo FPTS, thuốc kháng sinh là một trong những loại thuốc được sử dụng nhiều nhất trong bệnh viện (trên 20% về giá trị). Riêng các nhóm thuốc kháng sinh phổ biến như Cephalosporin hay Penicillin, chiếm hơn 70% giá trị. Đây cũng là các sản phẩm chủ lực của Imexpharm.
Không chỉ cạnh tranh trong nước, các cụm nhà máy đạt chuẩn EU-GMP còn được định hướng cửa xuất khẩu trong thời gian tới. Từ tháng 9/2022, Imexpharm đã có 7 sản phẩm (với 12 số đăng ký) được phép xuất khẩu vào châu Âu. Với sự hỗ trợ của cổ đông lớn là Tập đoàn SK (Hàn Quốc), hứa hẹn sẽ gia tăng thêm nguồn lực cho Imexpharm trên hành trình bước ra thế giới.
Quản trị cũng là lực đẩy giúp Imexpharm sớm đạt được các mục tiêu đề ra. Mới đây, Imexpharm được vinh danh trong danh sách Hội đồng quản trị của năm do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) bình chọn. Đây là kết quả dựa trên cơ sở đánh giá 510 doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam với các tiêu chí khắt khe. Imexpharm được đánh giá cao trong tiêu chí xét giải về Hội đồng quản trị có tính tiên phong, cam kết và kiên định thực hành quản trị công ty hướng đến phát triển bền vững, chú trọng ba yếu tố: G (Thế hệ), I (Độc lập), G (Giới tính). Nền tảng này giúp doanh nghiệp có cấu trúc quản trị tốt và đa dạng, áp dụng và thực hành ESG, có chiến lược phát triển bền vững với thế hệ kế cận một cách rõ ràng, nâng cao tính minh bạch và chính trực cũng như khả năng đóng góp của các thành viên Hội đồng Quản trị.
Theo Yên Chi - Vnexpress